Môi trường làm việc đảm bảo an toàn luôn là điều mà nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm khi làm việc tại các doanh nghiệp (DN). Vì vậy, các DN cần phải đặt công tác ATVSLĐ lên hàng đầu, xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên và cải thiện môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động. Bởi, NLĐ chính là tài sản quý giá nhất của DN, nhất là trong bối cảnh khan hiếm lao động hiện nay.
Hàng năm, ngành LĐTBXH trên cả nước đều tổ chức phát động tháng ATVSLĐ, đồng thời thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức thăm hỏi các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Các Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào kết hoạch chỉ đạo các Công đoàn cơ sở đối thoại với chủ doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động về những vấn đề liên quan đến ATVSLĐ tại nơi làm việc; tổ chức biểu dương những công nhân bị tai nạn lao động vượt khó trong sản xuất. Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng tháng ATVSLĐ tại cơ quan, đơn vị, phân xưởng sản xuất trong các doanh nghiệp trong suốt thời gian phát động tháng ATVSLĐ.
Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ chia sẻ, hàng năm ngành LĐTBXH đều tổ chức các lớp huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Tại buổi huấn luyện, các học viên đã được nghe các báo cáo viên trình bày các nội dung, các quy định của pháp luật về quản lý an toàn lao động, an toàn hóa chất, cách quản lý hồ sơ bệnh nghề nghiệp và cách phòng ngừa bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tại các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới an toàn vệ sinh viên nên hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên đã có điều kiện để hoạt động tốt nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bà Xuân Mai cho biết.
Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ không chỉ giúp hạn chế tai nạn lao động mà còn giúp NLĐ yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác này; nhiều NLĐ còn thiếu hiểu biết, kiến thức về ATVSLĐ, chưa thực hiện đầy đủ các quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn khi làm việc…
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ, ông Võ Thanh Quang – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngành LĐTBXH tiếp tục phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến; chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ.
Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, đặc biệt là các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khen thưởng, biểu dương những điển hình trong công tác ATVSLĐ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nguồn Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH